Làm sao để học lên Thạc sỹ? (P3) - Phỏng vấn

Sau quá trình chờ hoài chờ mãi, tôi cũng nhận được thông báo thi vấn đáp ThS và nhận chứng chỉ JLPT để bổ sung hồ sơ miễn thi ngoại ngữ cùng lúc.

Căn nhà Linhday đã để đóng mạng nhện gần cả năm trời. Đến nay, khi đã trải qua nửa chặng đường theo học Thạc sĩ, tôi mới có động lực và thời gian đề hoàn thành phần 3 của chủ đề này. Một phần vì tôi không chắc mình có thể vượt qua được những áp lực để đi đến hôm nay, phần vì vừa công việc vừa học hành cứ dồn dập deadline nên không có thời gian để viết blog.
hoc thac sy

Nộp bổ sung hồ sơ và phỏng vấn

Bổ sung chứng chỉ ngoại ngữ

Khi nộp hồ sơ, chứng chỉ ngoại ngữ của tôi đã quá hạn nên tôi phải đăng ký thi ngoại ngữ. Tôi không thích thi lắm mà bản cứng của chứng chỉ JPLT mới đạt chưa có nên buộc phải đăng ký. Ngày ngày tôi cầu mong, ngóng trông thời gian phát bằng JLPT để nộp bổ sung miễn thi ngoại ngữ. Miễn được môn nào hay môn nấy chứ không có tâm trạng thi cử nữa, vì khi đó tôi cũng đang áp lực công việc đến mức nghỉ việc rồi thất nghiệp.

Lịch thi phỏng vấn được thông báo trước 7 ngày thi. Có nghĩa là, có 7 ngày để chuẩn bị ôn tập các nội dung để khi vào vấn đáp được lưu loát, tự tin hơn. Trong khoảng thời gian này, tôi cũng có bao việc lớn cần làm như là tham gia đám cưới của cô bạn thân. Vừa ôn tập lại những kiến thức đã học năm Đại học, vừa chạy show các hoạt động khác một cách nghiêm túc.

Các câu hỏi phỏng vấn

cau hoi van dap

Vào phỏng vấn chúng ta thường rất sợ hãi việc nhận được những câu hỏi mà bản thân không biết trả lời như thế nào. Mà một khi chưa trả lời được thì kiến thức của người trả lời câu hỏi sẽ bị đánh giá là chưa đạt đến mức độ đó.

Những điều tôi lo sợ trước khi đi thi vấn đáp:

  • Hỏi bằng tiếng Anh: mặc dù khi ấy tôi cũng mới thi TOEIC ở mức trên 600 thôi nhưng phản xạ tiếng Anh vẫn là điều tôi lo lắng mình không làm tốt nhất.
  • Hỏi kiến thức về tin tức xã hội mà mình không biết: Tôi ít khi đọc báo mà chỉ đọc sách nên không có nhiều sự cập nhật đối với những tin tức xã hội liên quan đến các vấn đề mang tính thời sự.
  • Hỏi sâu và chặt chém đề tài dự kiến làm luận văn của mình: thường các thầy cô học càng cao thì khi họ phản biện lại những câu nói mình đã đưa ra trong đề tài một hồi là mình sẽ quên mất mình đang làm đề tài gì hoặc thấy đề tài của mình không có tính hay để đáng mà làm. Vì vậy phải tìm hiểu sâu về cái mình muốn làm, mạnh mẽ tự tin với lý luận mình có bằng những lý lẽ dẫn chứng thuyết phục.

thac sy
Những bức hình chụp bâng quơ ngày thi vấn đáp

Những điều tôi lo sợ trên chính là tiền đề để tôi biết mình có thể ôn tập và cải thiện điều gì, chuẩn bị điều gì. Tuy nhiên, đó cũng chính là con dao khiến tôi sợ hãi mà thất bại. Thực tế khi vào phòng thi, tôi đã có những kỷ niệm đáng nhớ:

Phòng thi là văn phòng khoa, có 3 giám khảo gồm thầy Trưởng khoa và hai cô giáo mà tôi sẽ học trên lớp sau này.

  • Hầu hết các thầy cô dù có ở trong hội đồng phỏng vấn hay không cũng rất thân thiện đã tạo cho tôi cảm giác bớt căng thẳng đi rất nhiều. Chúng tôi - những người tham gia phỏng vấn còn được cho bánh kẹo, nước uống trong lúc đợi tới lượt mình thi.
  • Ở phần trước tôi có nhắc đến việc mình hỏi han kinh nghiệm của bạn cùng khoá Đại học về việc đi thi phỏng vấn và tôi đã chuẩn bị các kiến thức cơ bản về ngành học của mình. Tuy khác một chút là phỏng vấn từng người chứ không phỏng vấn tất cả mọi người cùng một lúc trong đợt của bạn, nhưng tôi cũng có một số lúng túng như là cách đặt câu hỏi của thầy cô có hơi khó hiểu: Ở châu Á ngoài Đông Nam Á và Nhật Bản ra còn gì nữa không? - Câu này ý thầy cô là châu Á có các vùng nào và kể tên ra. Người có trạng thái hồi hộp khi phỏng vấn mà câu hỏi không rõ nội dung lại mang tính ý đồ thì người chuẩn bị hay không chuẩn bị cũng đứng hình như tôi nhỉ.
  • Bên cạnh đó, khi đưa ra tên đề tài khóa luận tốt nghiệp mà tôi đã thực hiện thời Đại học thì thầy cô có nhắc nhở thêm là trong bài đang không lấy tài liệu đúng nguồn uy tín. Nguồn uy tín chín là chìa khóa sắc bén để hoàn thiện được nghiên cứu cũng như là điểm yếu của bài. Hơn nữa, đề tài dự kiến làm luận văn ThS của tôi cũng có chút lạc đề không dính đến chuyên ngành học sắp tới bằng một số câu phản biện.
  • Cuối cùng, thầy cô có nhắc nhở nên nâng cao năng lực học và đọc tài liệu tiếng Anh, vì hoàn toàn những tài liệu cần thiết điều ở dạng tiếng Anh mới phục vụ được cho việc học ThS.

Sau khi phỏng vấn, tôi đi lấy và nộp ngay chứng chỉ ngoại ngữ và được miễn thi ngoại ngữ. Thế là sau hơn 1 giờ đồng hồ có mặt tại phòng thi và thực hiện hết các nghĩa vụ tôi cũng đã hoàn thành phần của mình, kết thúc một trong những ngày phép cuối cùng của mình.

Cảm giác sau khi phỏng vấn

Sau khi phỏng vấn tôi hơi thất vọng về vì sự hạn hẹp trong tri thức và khả năng phản biện của mình. Tôi nghĩ dù ngành mình theo học hay dù có tốt nghiệp ra trường có dùng đến cái bằng hay không thì việc học mà tôi lựa chọn ngày hôm đó là rất cần thiết cho đời tôi.

Tôi đã ngu ngốc khi đối diện với vấn đề trong cuộc sống của mình bằng một cái đầu không biết suy nghĩ, bằng thái độ hiền lành mà ai cũng có thể bắt nạt. Đơn giản lúc ấy, tôi nghĩ mình đỗ phỏng vấn và bắt đầu hành trình mới thì không ai có thể bắt nạt được mình nếu mình dùng tri thức phản ứng lại.

Phỏng vấn xong, tôi không hề bận tâm gì đến kết quả, mà tiếp tục tận hưởng những khoảnh khắc rảnh rang tươi đẹp nhất của năm này.

hoc phi cao hoc

Một chiếc hình về kết quả nghiên cứu học phí sau khi kết thúc phỏng vấn - chà có hơi cao nhỉ?

Kết quả phỏng vấn

ket qua phong van
Đây mới chỉ là điểm thi vấn đáp. Dù điểm không cao nhưng tôi vẫn cảm thấy biết ơn vì đạt được số điểm này vì mình là một người lạc loài hihi

Mãi đến 3 tháng sau khi phỏng vấn mới có Giấy báo trúng tuyển. Khi ấy, tôi đã vượt qua những khó khăn trong công việc cũ và bắt đầu hành trình ở công ty mới. Điều khiến tôi hạnh phúc là ba mẹ đều vui ngoài mong đợi với tin tức này. Bởi vì trước đó ba mẹ không có vẻ ủng hộ đối với việc tôi du học hay học lên cao. Ba mẹ tôi tự hào với mọi người khiến tôi cũng an tâm về việc bản thân mình không báo ba mẹ mà còn làm ba mẹ vui lòng một chút.

giay bao nhap hoc cao hoc
Ngày nhận giấy báo nhập học và sinh hoạt khóa

Thời điểm đó tôi lo lắng không biết học nổi không, tôi lo rằng quá khó để đứa trẻ như tôi vượt qua một cách suôn sẻ. Tuy nhiên tôi hứa với bản thân sẽ cố gắng vì học phí bây giờ không rẻ nữa, nếu cứ ngâm từ tháng này qua năm nọ thì về sau học phí cao mà cũng không có động lực đi "chữa bệnh ngu" của mình. Hơn nữa đây chính là ước mơ trước khi tốt nghiệp Đại học của mình và cho đến lúc này việc tích lũy tiền bạc cũng có cơ hội được sử dụng.

Lúc đầu tôi chọn học vì cộng việc của tôi quá áp lực, mà đó là áp lực mà những người thực hiện bắt nạt tôi gây ra nhưng tôi ngu ngốc không có phản kháng nhiều. Tôi lựa chọn đi học lên Thạc sỹ để có kiến thức và trình đồ bảo vệ bản thân, quên đi sự tầm thường của những điều tồi tệ người khác mang lại. 

Tôi đi học không để khoe khoang hay ra vẻ với ai mà để kiềm hãm con mãnh thú hở chút là nóng vội và sự dốt nát của mình bộc phát. Cho đến nay, tuy không giảm được phần nào áp lực mà còn tăng thêm nhưng tôi hạnh phúc với lựa chọn này, chỉ hối tiếc là mình không chọn sớm hơn.

Danh sach lop
Đây là danh sách những người bạn đã đồng hành với tôi trong quá trình học thú vị, thú vị như thế nào khi chỉ có 8 con người trong 1 lớp. Mời bạn đọc chờ đón phần tiếp theo nhé!

Chỉ có học và học mãi mới là trang sức xinh đẹp, riêng nhất của mỗi người,

Linh

Đăng nhận xét