Làm sao để học lên Thạc sỹ? (P2)

Tiếp tục câu chuyện thi đỗ Thạc sỹ như thế nào, trong bài viết lần này tôi sẽ chia sẻ tiếp về khâu chuẩn bị hồ sơ và chuẩn bị thi của tôi.

Ở phần trước tôi đã trình bày lý do tôi học Thạc sỹ (ThS), quá trình quyết định đi học tiếp và các phương thức xét tuyển vào cao học ở trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (HCMUSSH).

thi thac sy
Hình minh hoạ: Chén hứng ngọc. Người có học như ngọc có mài. Hiện tại chỉ có chén đựng ngọc nhưng không có ngọc ở trong.

Tôi nghĩ rằng lựa chọn tốt nhất có vẻ là đi du học. Đi du học tạo điều kiện cho mình khám phá, trải nghiệm cuộc sống thế giới ngoài kia. Nhưng rất tiếc là tôi không đủ giỏi để nhận học bổng toàn phần, cũng không có cơ hội và điều kiện để tự túc đi du học. Nên chuyện đi du học tạm gác lại, nếu có thể mong một ngày không xa thực hiện được ước mơ này.

Chuẩn bị hồ sơ ứng tuyển cao học

Tôi thích và có ý định chọn ngành Lịch sử thế giới. Tuy nhiên, ngành này không đúng với ngành tôi đã học ở Đại học. Nếu muốn bắt đầu đi theo hướng mới (ngành khác) thì buộc phải học bổ sung kiến thức và thi tuyển. Mặc dù có thể tự do lựa chọn nhưng việc học thêm và thi lại khiến tôi hơi ngán (vì vừa mới thi JLPT xong). Vì thế, tôi đã chọn một ngành đúng và nộp xét tuyển.

Hồ sơ gồm các file sau đây mà chúng ta có thể dễ dàng tải 1000 bản về máy mà điền vào rồi in ra: Phiếu đăng ký dự tuyển; Giấy giới thiệu cơ quan; Lý lịch khoa học; Mẫu dán ảnh; Biên nhận hồ sơ.

Ngoài các file phía trên, cần có thêm những giấy tờ khác (trong file Biên nhận có ghi) thì mới đầy đủ hồ sơ ứng tuyển cao học tại USSH được:

  • Hai bản Lý lịch khoa học (có dán hình đóng dấu giáp lai, xác nhận của cơ quan công tác hoặc địa phương cư trú)
  • Hai bản sao bằng tốt nghiệp đại học (có công chứng)
  • Hai bản sao bảng điểm đại học có công chứng (đối với thí sinh tuyển thẳng/ xét tuyển/ kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển)
  • Công trình nghiên cứu khoa học (nếu có)
  • Bài luận (đối với thí sinh kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển)
  • Bảng điểm bổ sung kiến thức (đối với thí sinh tốt nghiệp đại học ngành gần, ngành khác)
  • Hai bản sao bằng cấp, chứng chỉ ngoại ngữ (nếu có)
  • Giấy tờ minh chứng thuộc đối tượng ưu tiên (nếu có)
  • Phiếu khám sức khỏe (của một bệnh viện đa khoa có thời hạn 06 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ)
  • Hai phong bì (có dán tem, ghi rõ địa chỉ nhận để Trường gửi giấy báo nhập học – nếu có)
  • Hai ảnh (dán lên mẫu trong hồ sơ, ghi đầy đủ thông tin theo mẫu)

Tôi đã chuẩn bị tất cả những nội dung trên trong hồ sơ của mình. Tuy nhiên, tôi nhận thấy rằng hồ sơ của tôi có 3 điểm bất lợi so với điều kiện xét tuyển (hoàn toàn):

Một là, đã tốt nghiệp trên 24 tháng (đổi lại là kinh nghiệm đi làm trên 3 năm).

Hai là, không còn lưu lại công trình nghiên cứu khoa học nào (vì đã quá lâu, công trình nghiên cứu chỉ ở quy mô nhỏ nên không còn tài liệu gì để chứng minh).

Ba là, không có chứng chỉ ngoại ngữ để miễn thi ngoại ngữ (Dù có kết quả đỗ JLPT nhưng nếu chưa có chứng chỉ thì vẫn phải thi ngoại ngữ).

Có thể tự đi công chứng bằng cấp và khám sức khoẻ,…nhưng khó nhất đối với tôi là công chứng Lý lịch. Lý lịch có thể công chứng tại địa phương hoặc cơ quan công tác. Tuy nhiên, tôi không muốn cho bất kỳ ai kể cả người nhà biết vì chưa vững tâm lý và sợ (nhiều thứ).

Điều tôi lo sợ khi ai đó biết tôi muốn đi học

Tôi là kiểu người hay lo nghĩ nhiều. Lo nghĩ nhiều cũng có điểm tốt là có thể chuẩn bị ứng phó tốt đối với trường hợp xấu xảy ra, bằng cách nghĩ càng nhiều tình huống xấu.

Điều tôi lo sợ mà không muốn ai biết mình có ý định đi học tiếp là gì? - Thời gian, tâm lý, tiền bạc, cuộc sống. Con người chúng ta hay xoay quanh các vấn đề này. Tôi lo lắng mình không thể theo học đến nơi đến chốn vì học phí cao hoặc không sắp xếp được thời gian trong cuộc sống hàng ngày để đạt được thành quả. Cuộc sống chúng ta thì có những người: trong gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, và tôi sợ không nhận được ủng hộ từ tất cả họ.

Tôi sợ phải trả lời câu hỏi: Học để làm gì? Tại sao có tiền mà không lo cho gia đình lại lo đi học lên không cần thiết? Tại sao không tập trung nâng cao chuyên môn hiện tại mà lại đi học cái mới?…

Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về việc trả lời những câu hỏi đó rồi trở nên đau đầu, mất tự tin vào chính mình. Tôi tự hỏi, không lẽ thích thì học thôi không được sao?

Cuối cùng, những người đầu tiên có thể biết được ý định này là người nhà, vì tôi phải bày tỏ và nhờ người nhà đi công chứng hộ Lý lịch. Rồi từ từ đến bạn bè cũng biết sau khi tôi đăng Phần 1.

Đúng là sự bủa vây và nhận xét cũng không có gì quá đáng sợ, nhưng nó khiến tôi tự ti rất nhiều khi nghĩ đến việc mình làm không nhận được một chút động viên hay ủng hộ nào.

Nộp hồ sơ và chuẩn bị bài thi phỏng vấn

Ba điểm bất lợi trong hồ sơ tôi đã nhắc đến ở phía trên làm cho tôi nghĩ mình cũng khó có cửa để bước vào giảng đường tại USSH. Dù vậy tôi cũng không muốn thi. Nếu lần này rớt thì năm sau tôi sẽ học và thi vào ngành Lịch sử thế giới luôn cho máu. Lý do tôi thích Lịch sử đến vậy là vì trong thời học sinh sinh viên của mình, tôi yêu mến tất cả giáo viên dạy sử mà tôi từng học. Họ đã mang đến nguồn cảm hứng cho tôi.

Sau khi nộp hồ sơ, tôi bị trả lại một số giấy tờ kèm với cái lắc đầu do thời gian tốt nghiệp Đại học đã quá 24 tháng.

Các giấy tờ tôi đã bị trả lại gồm: Bài luận (không có yêu cầu viết luận đối với ngành mà tôi chọn), phiếu điểm của kỳ thi JLPT vừa rồi (phải là chứng chỉ thì mới miễn thi), chứng chỉ tin học và ngoại ngữ khác (MOS, TOEIC, JBAA, N3 (quá 2 năm)), phong bì có dán tem.

Vì chứng chỉ ngoại ngữ không hợp lệ nên bắt buộc phải đăng ký thi ngoại ngữ.

Số tiền tôi cần đóng khi nộp hồ sơ:

  • Lệ phí hồ sơ: 50.000 đồng
  • Lệ phí tuyển sinh: 1.100.000 đồng

Nếu có học bổ sung kiến thức thì bạn cần đóng thêm:

  • Học phí bổ sung kiến thức: 600.000 đ/01 tín chỉ.
  • Lệ phí phúc khảo: 100.000 đồng/môn thi (nếu cần)

Sau khi nộp sơ, chúng ta sẽ giữ tờ biên nhận và chờ đợi đến ngày hẹn có ghi trong đó thì lên trang web xem lịch thi phỏng vấn.

bien nhan

Biên nhận và thông tin cần biết sau khi nộp hồ sơ ThS

Tôi có tìm gặp và trao đổi với bạn cùng khoá Đại học về việc đi thi phỏng vấn. Bạn mới nhập học giữa năm nay (ứng tuyển từ Đợt 1) và có chia sẻ về quá trình bạn đi phỏng vấn:

Đồng loạt các thí sinh sẽ cùng vào phòng và phỏng vấn cùng lúc với ban giám khảo (BGK) nên sẽ không sợ quá hồi hộp. Các câu hỏi sẽ xoay quanh về: giới thiệu sơ lược về bản thân và mong muốn học ThS, đề tài nghiên cứu muốn làm, kiến thức căn bản về ngành và chuyên môn.

Sau khi được bạn chia sẻ và động viên tôi cảm thấy an tâm phần nào. Tôi tập trung ôn tập những kiến thức liên quan đến ngành và kiến thức xã hội căn bản để có thể tự tin đi phòng vấn.

hoc on thi thac sy
Quá trình học ôn thi ThS
Tôi cố gắng từ ngày nộp hồ sơ đến ngày thi đều ôn tập (và chăm up story để tạo động lực). Có hôm còn đăng ký thẻ thư viện của Thư viện Tổng hợp TPHCM để tìm đề tài nghiên cứu. Đi ôn tập bất chấp trời mưa chỉ mong có thể đậu vào và đi học tiếp được.

Ngờ đâu, đến ngày phỏng vấn, tôi được thông báo rằng từng thí sinh sẽ vào và một mình “đối đầu” với 3 người trong BGK khoảng 15-30 phút. Tim đập, chân run, tôi lo sợ người không hoạt ngôn, khéo léo như mình chắc sẽ không thể hiện tốt được…

Quá trình tôi phỏng vấn học ThS tại USSH như thế nào, mời bạn đón đọc phần 3 nhé!

Linh

Đăng nhận xét