Có câu “Người không học như ngọc không mài” - học tập có vai trò quan trọng. Bởi vậy, khi còn trẻ ráng mài ngọc để về già ngồi bán ngọc lấy tiền.
Nhìn lại một năm qua, tôi đã bỏ ra rất nhiều công sức, thời gian và tiền bạc để phát triển bản thân. Đến thời điểm hiện tại, khi viết bài này tôi đã có trong tay tấm vé chắc chắn vào học ở trường Đại học mơ ước thuở 18 của mình. Sau đây, tôi sẽ chia sẻ hành trình nhận tấm vé này, mong có thể là nguồn động lực cho bạn.
Học Thạc sỹ để làm gì?
Theo Wikipedia: "Thạc sĩ theo nghĩa đen là từ để chỉ người có học vấn rộng (thạc = rộng lớn; sĩ = người học hay nghiên cứu), nay dùng để chỉ một bậc học vị. Học vị thạc sĩ là một bậc đánh giá trình độ học vấn của một người. Những người muốn đi xa trên con đường học vấn và sự nghiệp đều sẽ học và theo đuổi tấm bằng thạc sĩ, rồi sau đó sẽ là tiến sĩ với đích đến cuối cùng là được phong (hoặc bổ nhiệm) làm Giáo sư. Ngoài ra, người có bằng thạc sĩ có thể được dạy học tại trường đại học trên những lĩnh vực nào đó"
Từ những điều trên hiện nay, người người học Thạc sỹ (ThS), Tiến sỹ (TS) để phát triển sự nghiệp. Còn tôi, ngay từ ban đầu tôi cũng không rõ học ThS xong mình sẽ làm gì. Tôi có cô bạn vừa học ThS xong lấy liền chồng TS, tôi thì chắc không dám (hoặc không có cơ hội) lấy TS vì không thích mình là người thua trong cuộc cãi vả.
Nhìn bạn bè xung quanh nhiều người học lên cao học, tôi cũng nghĩ mình nên thử sức nhân lúc còn trẻ khoẻ và đang động lực dồi dào mong muốn phát triển bản thân. Hơn nữa, học càng nhiều sẽ làm cho ta sáng mắt ra, nhìn thấu hồng trần, nhận ra đúng người đúng việc và có cách hành xử tốt hơn. Từ đó đi đến một tương lai tốt đẹp hơn, nhất là tôi muốn mình là một người vợ, người mẹ vừa đẹp lẫn bề ngoài vừa đẹp tận trong trí tuệ tâm hồn, làm tấm gương xịn cho chồng con noi theo (hơi mơ mộng ha).
Rất nhiều người nói rằng họ học ít nhưng kiếm được nhiều tiền, còn hơn học nhiều mà chẳng ra được đồng nào. Tuy cắm đầu vào sách có thể không kiếm được nhiều tiền nhưng nó tạo nên một vẻ đẹp không thể phai mờ dù theo năm tháng, tri thức chính là trang sức.
Cuối cùng, chỉ là do tôi thích nên tôi quyết đi học.
Thực sự mong muốn đi học
Do thích và mong muốn tiếp tục được mài mông trên ghế nhà trường nên tôi đã ấp ủ mong muốn sẽ học lên cao học từ những năm Đại học. Với mục tiêu đó, tôi đã thực hiện những đề tài nghiên cứu nhỏ cấp khoa, khoá luận tốt nghiệp để nâng cao khả năng làm nghiên cứu. Rồi cũng đến lúc tốt nghiệp và đi làm, mới đi làm thì không có đủ tiền để đi học tiếp, đã vậy còn tự nuôi bản thân nên tôi gần như quên mất đi mong ước đó.
Đi làm có tiền thì vui nhưng đi học quả là cách tốt nhất để cho não của mình không bị chay lười theo thời gian. Đi làm cũng tăng khả năng mày mò, tìm kiếm kiến thức liên quan chuyên ngành để trau dồi. Nhưng hầu hết là chúng ta sẽ lặp đi lặp lại công việc đó nhiều lần để trở nên chuyên nghiệp hơn. Còn đi học thì lại tăng luyện tập cho não hoạt động, tạo thêm mục tiêu và động lực (có thi cử và bằng cấp). Có động lực và mục tiêu rõ ràng mình mới đánh giá được sự tiến bộ của mình theo năm tháng đúng không nào?
Đến khi sau tốt nghiệp được 3 năm, tôi mới đủ dũng khí và tài chính để theo đuổi con đường này. Đầu năm 2023, tôi dự định nộp hồ sơ. Nhưng thời điểm đó tôi quyết tâm thi đỗ JLPT (Kỳ thi lấy chứng chỉ Năng lực tiếng Nhật được tổ chức 1 năm chỉ 2 lần) hơn nên tạm gác lại. Nếu có chứng chỉ JLPT (từ N4 trở lên) thì sẽ được miễn thi ngoại ngữ đầu vào kỳ thi ThS, một công đôi việc đúng không nào?
Tôi gác lại kỳ tuyển sinh ThS đợt 1 của năm và tập trung ôn thi JLPT. Tham khảo thời gian thi đợt 2 của năm trước, tôi đặt lịch hẹn vào ngày 1/8 để lên website Phòng đào tạo kiểm tra thông báo tuyển sinh.
Cuối tháng 7, khi mà tôi vừa kết thúc kỳ thi JLPT và hồi phục sau ca phẫu thuật mắt thì có thông báo tuyển sinh ThS đợt 2. Thời điểm này tôi chưa biết kết quả JLPT của mình (mà cũng không chắc mình đỗ JLPT), nhưng do muốn đi học quá, tôi đã chuẩn bị hồ sơ tuyển sinh cao học luôn. Nếu không đỗ JLPT thì chịu thi ngoại ngữ thôi - Tôi nghĩ vậy.
Có sự chuẩn bị
Chọn trường để học cao học
Tôi yêu thích các môn xã hội nên sau quá trình tìm kiếm và suy nghĩ thì thấy không đâu đào tạo cao học ngành xã hội tốt như Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (HCMUSSH) - Đại học Quốc gia TP.HCM.
Thêm vào đó, đây là ngôi trường mà tôi nghĩ rằng lượng nữ sinh vừa giỏi vừa xinh đông đảo cũng không kém Đại học Ngoại thương (thật ra cũng không có ý định thi Hoa hậu đâu, chỉ quan tâm thế thôi). Học ở đây vừa có tiếng vừa có miếng nên được trai tài trai đẹp săn đón nhiều (nghe thích quá đi chứ). Đó là những lý do tôi muốn trở thành sinh viên ở nơi đây lúc 18 tuổi.
Còn bây giờ người có tuổi phải suy nghĩ khác chứ. Không còn suy nghĩ như vậy nữa nhưng tôi thật sự rất thích sự năng động nhiệt tình và vui vẻ hoà đồng của các cán bộ cũng như sinh viên trường. Họ cho tôi một cảm giác rất thân thuộc.
Trường hoàn toàn đảm bảo tiêu chí: trường công có tiếng, đào tạo chất lượng, trong nội thành và học phí ổn (có tăng so với vài năm trước nhiều nhưng nhìn chung vẫn chi trả được).
Chọn ngành và hình thức ứng tuyển
Có 3 hình thức tuyển sinh cao học tại HCMUSSH: Tuyển thẳng, xét tuyển và thi tuyển.
Để tuyển thẳng thì kết quả tốt nghiệp cụ thể phải có 1 trong những yếu tố sau đây: Đã tốt nghiệp đúng thời hạn với chương trình đào tạo 150 tín chỉ trở lên; tốt nghiệp trình độ đại học chính quy loại giỏi có điểm trung bình tích lũy từ 8.0 trở lên (theo thang điểm 10) hoặc là thủ khoa của ngành; đạt giải nhất, nhì, ba các kỳ thi Olympic sinh viên (giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học của Bộ Giáo dục và Đào tạo; giải thưởng Eureka và các giải thưởng khoa học công nghệ cấp quốc gia, quốc tế được tổ chức ở trong nước và ngoài nước). Tất cả điều kiện trên sẽ được chấp nhận nếu còn trong thời gian 24 tháng tính từ ngày ký văn bằng tốt nghiệp đến ngày nộp hồ sơ dự tuyển.
Để xét tuyển mà khỏi phải thi thì phải tốt nghiệp (trong vòng 2 năm) hoặc có quyết định công nhận tốt nghiệp trình độ đại học (hoặc trình độ tương đương trở lên) ngành phù hợp với ngành đăng ký xét tuyển. Đặc biệt phải tham gia phỏng vấn trước tiểu ban chuyên môn.
Để thi tuyển thì phải tốt nghiệp hoặc có quyết định công nhận tốt nghiệp trình độ đại học (hoặc trình độ tương đương trở lên). Tuỳ ngành sẽ có yêu cầu viết luận liên quan đến ngành đó. Nếu học không đúng ngành thì phải bổ sung kiến thức dành cho ngành gần 10 tín chỉ (TC); ngành khác thuộc lĩnh vực Khoa học Xã hội và Nhân văn 15 TC; ngành khác không thuộc lĩnh vực Khoa học Xã hội và Nhân văn 20 TC;
Bạn hãy đoán xem trong 3 hình thức trên, tôi đã chọn hình thức tuyển thẳng, xét tuyển hay thi tuyển?
Hãy xem phần sau của bài viết này nhé, một chuỗi câu chuyện thú vị đáng chờ đón bạn.
Phần 2: Quá trình chuẩn bị hồ sơ và thi ThS
Linh
Đăng nhận xét
Đăng nhận xét