Bạn có từng nghĩ rằng chỉ cần 1 câu cảm ơn/xin lỗi cũng có thể làm sụp đổ một mối quan hệ không?
Nếu bạn chưa từng nghĩ như vậy thì trong bài viết này tôi sẽ kể cho bạn về những câu chuyện mà tôi từng bị lời cảm ơn/xin lỗi làm tổn thương. Bạn không cần quan tâm tôi đã tổn thương như thế nào, nhưng mà bạn hãy suy ngẫm về điều đó để hạn chế làm tổn thương người khác. Hơn nữa, là để không phá vỡ một mối quan hệ tốt đẹp.
Cảm ơn
Từ bập bẹ chúng ta đã được dạy cảm ơn bằng cách “ạ”, ai cho gì cũng khoanh tay “ạ” nhằm thể hiện lòng cảm tạ sâu sắc đến với người khác khi mà chưa có khả năng nói được. Lớn lên, khi đã biết nói, đã được giáo dục tử tế rồi thì lời cảm ơn như là thói quen trong sinh hoạt hàng ngày. Thỉnh thoảng, tôi còn thấy người (có thể là chưa được đi học đầy đủ) băng qua đường, chen hàng xe, cũng quay lại gật đầu cảm ơn vì đã được nhường đường cho.
Lời cảm ơn dễ nói ra, người nhận lời cảm ơn cũng dễ chịu vì mình đã ban ơn phước cho người khác.
“Có câu cảm ơn thôi cũng không nói được”
Tuy nhiên, đối với người thân trong gia đình, bạn bè thân thiết với nhau, gặp gỡ tiếp xúc với nhau thường xuyên mà nói lời cảm ơn thường xuyên thành ra quá khách sáo. Trong văn hoá giao tiếp của người Việt, có thể họ ngại cảm ơn đối với người thân quen, nhưng không có nghĩa là họ không biết biết ơn người khác.
Bởi vì dù sao đi nữa “Cảm ơn” vẫn chỉ là một câu nói. Với một số người, hành động thể hiện lòng biết ơn có ý nghĩa hơn câu nói cảm ơn.
Tôi là người như vậy, đối với người thân, bạn thân tôi sẽ hành động hay biếu tặng họ cái gì đó để thể hiện lòng biết ơn của mình. Bởi thế mà khi tôi bị bạn của mình nói: “Có câu cảm ơn thôi cũng không nói được” tôi cảm thấy tổn thương.
Tôi mang suy nghĩ rằng mình là người vô phép vô cùng khi chưa kịp trả ơn bằng hành động.
“Trong câu nói của người ta đâu có từ cảm ơn”
Làm công việc phiên dịch là mỗi ngày đứng ở giữa hai ngọn lửa để truyền nước. Trước kia, tôi tự hào nói rằng mình tốt nghiệp ngành “Ngôn ngữ và văn hoá” và đã tiếp xúc với ngôn ngữ này được 7 năm. Tuy nhiên, đối với một số người họ coi việc tôi làm còn thua cả Google dịch khiến cho tôi ngày càng hoài nghi về bản thân mình (Gaslighting)
Nếu dịch 1-1, có sao dịch vậy thì bảo dịch cứng nhắc quá. Nếu dịch có thêm ý thêm lời để bớt căng thẳng thì bảo không dịch chuẩn.
Hôm nọ, vì thấy bên B phải xoay xở quá vất vả các yêu cầu của bên A nên tôi có thêm câu: A gửi lời cảm ơn đến B… . Thì ngay lập tức, bên A dùng Google dịch không thấy 1 từ cảm ơn nào vào hỏi chấm: “Trong câu người ta đâu có từ cảm ơn, sao…dữ vậy”.
Cảm ơn là điều căn bản phải làm để cho đối phương cảm thấy nhẹ bớt gánh nặng. Nếu không có nói dối gì quá đà thì 1 lời cảm ơn có mất gì?
Đúng là không mất gì, nhưng sẽ có người tiếc đứt ruột vì nói ra lời cảm ơn để người khác tốt hơn mình đấy.
Xin lỗi
Xin lỗi là cư xử cơ bản đối với người mắc lỗi gây ra với người được xin lỗi. Sẽ có nhiều trường hợp dù xin lỗi rồi nhưng đối phương cũng không nguôi và không thứ lỗi. Trong trường hợp đó, xin lỗi đi kèm với biểu hiện hối lỗi và sửa chữa lỗi lầm thì mới có hiệu quả.
Lời xin lỗi vô nghĩa
Nếu xin lỗi có thể xoá nhoà được tội lỗi thì không cần có pháp luật để làm gì. Tuy nhiên lời xin lỗi thiện ý đi kèm với hành động có thể làm giảm đi sự trừng trị của pháp luật.
Lời xin lỗi vô nghĩa xuất hiện khi nào: khi cố tình làm đối phương thất bại (bắn game cho người ta thua rồi xin lỗi), khi nói câu “xin lỗi được chưa?”,…
Đó là những lúc mà lời xin lỗi có hiệu quả 0%, gây tính sát thương cao cho đối phương.
Không có lời xin lỗi nào từ người lớn
Ai cũng có thể mắc lỗi lầm, kể cả người lớn tuổi, người có nhiều kinh nghiệm. Người càng có học vị - địa vị, có tuổi càng cao thì lời xin lỗi càng hiếm thấy (theo ý chủ quan - quan sát của tôi).
Thậm chí họ còn luôn luôn cho rằng họ đúng. Có lần tôi học một môn học của Tiến sĩ nọ, ông luôn đưa ra quan điểm rằng người Nhật, người Hàn ai cũng có ý thức tốt kể cả khi gặp khó khăn như thiên tai họ vẫn nhường nhịn nhau, còn người Việt không có ý thức nhiều. Tôi đã phản đối với khẳng định của ông và tìm rất nhiều ví dụ chứng minh rằng cũng có nhiều thành phần người Nhật, người Hàn kém ý thức ở thời điểm hiện tại. Hơn nữa, tôi lấy ví dụ về sự thay đổi lớn trong ý thức đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy từ ngày 15/12/2007 đến nay của người Việt Nam. Cuối cùng, điều tôi nhận được chỉ có 1 kết luận: Nhật, Hàn là nhất.
Trong việc nuôi dạy trẻ, huấn luyện nhân viên,…với cương vị là người lớn hơn thì cũng nên biết nói lời xin lỗi khi mắc lỗi. Đừng có vì cái sỉ đánh chết cái nhân cách của mình, ai cũng có cái sai, có cái không hoàn hảo cả, tại sao mình không công nhận rồi sửa chữa nó.
Cuộc sống đã đủ mệt mỏi rồi tại sao phải làm khó nhau? Đừng là những vị phụ huynh, suốt ngày thúc ép con học hết môn này đến môn nọ, không cho vui chơi mà chỉ biết trả lời rằng: “làm khó cho con là chỉ muốn tốt cho con, muốn cho con phát triển hơn thôi”. Đó không phải là phát triển, đó là trù dập đến chết.
“Mong rằng, tất cả chúng ta đều sẽ trở thành những người biết yêu thương sự tồn tại của nhau” - Trích “Yêu những điều không hoàn hảo” của Đại đức Hae Min
Linh
Đăng nhận xét
Đăng nhận xét