Tiểu thuyết "Không gia đình" và phim cùng tên có gì khác nhau?

Thời đi học chắc hẳn bạn đã nghe đến "Không gia đình" (tiếng Pháp: Sans famille) là tiểu thuyết nổi tiếng nhất của nhà văn Pháp Hector Malot, được xuất bản năm 1878. Tôi đã đọc bản dịch của giáo sư Huỳnh Lý khoảng 657 trang và xem bộ phim cùng tên khoảng hơn 100 phút.

Vậy phim và sách có những chi tiết nào khác nhau, ý nghĩa có sự thay đổi hay không?


Trên nhiều diễn đàn văn học chắc hẳn có nhiều phân tích về tác phẩm Không gia đình và review phim. Tuy nhiên bài viết này tôi chỉ nói theo quan điểm cá nhân và những thắc mắc của mình (có spoil).

Tiểu thuyết Không gia đình của Hector Malot


Sách thiên về tình cảm, phù hợp cho thiếu nhi về những bài học giáo dục như: phải có lòng tự trọng, yêu lao động, dũng cảm và làm việc đúng việc có ích.

Tuy nhiên có nhiều điều chưa được giải thích thực sự hợp lý trong truyện:

Sao ông Giem Mi-li-gơn độc ác như vậy lại không giết luôn Rê-mi từ nhỏ? Tại sao Đơ-ri-xcơn phải tìm lại Rê-mi?

Phải chăng nhân vật Đơ-ri-xcơn giống như thợ săn trong truyện Bạch Tuyết và Bảy Chú Lùn ở điểm: vì còn tình người nên thả cho Bạch Tuyết chạy trốn mà không giết hại nàng? Nhưng không trả lời được câu hỏi sau là tại sau phải tìm lại Rê-mi sau bao năm bỏ mặc.


Tại sao bà Mi-li-gơn không nói là bà có đứa con trai thất lạc ngay từ đầu, sao không nhận ra Rê-mi là con của bà?

Đoạn nhận lại mẹ hơi chớp nhoáng vì so với phim thì tình tiết nhận lại gia đình của Rê-mi hợp lý hơn trong tiểu thuyết. Hợp lý như thế nào, bạn hãy xem thêm bộ phim "Không gia đình" của đạo diễn Antoine Blossier.

...và còn nhiều điều nếu bạn đã đọc qua truyện chắc cũng sẽ có thắc mắc như tôi.

Ngoài những khuất mắc mà tôi có, thì những điều đau lòng trong tiểu thuyết đã chạm đến trái tim người đọc như: Lúc mất đi 2 con chó Zerbino và Dolce, quý ngài khỉ Giô-li-cơ và cụ Vitalis.


Nhân vật Mát-chi-a trong tiểu thuyết "Không gia đình" này là một điểm nhấn làm cho hành trình của Rê-mi màu sắc rực rỡ hơn. Mát-chi-a đã thể hiện tình yêu thương đối với người anh em Rê-mi của mình bằng cách từ chối theo học ông Ét-xpi-nát-xu - người thợ cạo kiêm nhạc sĩ thị trấn Măng-đơ và nhất là lúc tin tưởng và động viên rằng Rê-mi không phải con nhà Đơ-ri-xcơn bằng câu nói:

Nếu muốn thay đổi gì đó, thì ít ra phải thử làm gì đó chứ.

Câu nói đại loại ý là như vậy. Đây cũng là câu nói trong bộ phim Hàn Quốc đang hot dạo gần đây là D.P. Phim kể về cuộc sống của những nam thanh niên Hàn trong quân ngũ bị áp bức, bắt nạt. Nếu không làm gì thì không có điều gì thay đổi cả. Câu chuyện cũng tương tự như của Rê-mi. Rê-mi đã nhắm mắt bỏ qua những bất thường khi sống trong gia đình "giả" Đơ-ri-xcơn của mình mà cam chịu vì bảo do số phận bản thân mình là thế.


Phim D.P

Thế mà phim không có nhân vật Mát-chi-a này nên quả là một thiếu sót lớn.

Phim Không gia đình của đạo diễn Antoine Blossier

khong gia dinh

Rémi sans famille là một bộ phim hài kịch năm 2018, dựa trên tiểu thuyết Không gia đình của Hector Malot. Cảnh trong phim, trang phục nhân vật thật sự rất đẹp và giống với tiểu thuyết đã miêu tả.

Tuy bối cảnh, màu sắc phim giống với tiểu thuyết cùng tên của Hector Malot nhưng cốt truyện hầu như khác hẳn. Trong phim mô tả Rê-mi là một cậu bé tài năng và rất đam mê ca hát gặp được người hướng dẫn cho con đường phía trước của mình là cụ Vi-ta-li tại chuồng bò nhà hàng xóm.


Trong phim cụ Vitalis bày tỏ về bản thân mình nhiều hơn làm một người đàn ông lạnh lùng bên ngoài nhưng ấm áp bên trong trong tiểu thuyết. Tuy nhiên, những nỗi đau mà cụ đã từng trải qua chỉ có người lớn mới thấu hiểu được, còn trẻ con khi xem phim này khó có thể hình dung sự mất mát lớn lao trong sự nghiệp vĩ đại và trong gia đình của cụ.

Phim mang tính hợp lí, logic hơn nhưng không đủ tình cảm và những bài học quý giá mà truyện kể.

Dù vậy, mỗi nơi mở ra một cái kết tươi đẹp khác nhau làm cho người xem ấm lòng: Trong phim cuối cùng Rê-mi đi theo tài năng và đam mê ca hát của mình trở thành một danh ca, nhưng trong tiểu thuyết thì Mát-chi-a mới là ca sĩ lừng danh, còn Rê-mi chọn ở đúng vị trí của mình trong gia đình danh giá.


Từ đó, ý nghĩa giữa phim và tiểu thuyết cũng có sự khác nhau.

Trong phim thì cụ Vitalis còn sống và dẫn dắt ước mơ ca hát cho tới cùng của Remi. Tuy nhiên, trong tiểu thuyết, cái chết giữa chừng của cụ Vitalis đã để lại sự tiếc nuối rất nhiều, nhất là những bài học cụ dạy, dù vậy Remi cũng cố gắng bước tiếp để tìm đến hạnh phúc gia đình thực sự cho mình.

Dù phim và truyện có sự khác biệt lớn nhưng vẫn mang những bài học nhân văn đến với thiếu nhi. Một bên là tình cảm gia đình và bằng hữu, một bên là ý chí theo đuổi ước mơ. Cả hai sẽ bổ sung cho nhau, nên hãy thưởng thức cả phim lẫn tiểu thuyết để cảm nhận điều hay mà những tác phẩm này muốn truyền tải nhé.

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết

Linh

Đăng nhận xét