Làm sao để cảm xúc tiêu cực không ảnh hưởng đến công việc?

Ai cũng có lúc cảm xúc lấn át suy nghĩ. Tuy nhiên, lúc như vậy cần tiết chế lại và không ảnh hưởng đến công việc thì không phải ai cũng làm được.

Là người lớn đi làm chúng ta không thể tránh khỏi việc tiếp xúc với những điều phiền phức dẫn đến tâm trạng không vui. Mặc dù không vui, không thích ai đó nhưng vẫn buộc phải tiếp tục làm việc với họ trong cảm xúc tiêu cực sẽ gây ra hậu quả xấu đến công việc và mối quan hệ xung quanh.

cam xuc trong cong viec

Vậy làm thế nào để là người làm việc chuyên nghiệp, không bị tâm trạng ảnh hưởng đến công việc?

Cảm xúc tiêu cực trong công việc từ đâu mà ra?

Từ những tích góp nhỏ nhặt, sẽ tạo nên một đống tiêu cực gây ra cảm giác khó chịu.

Có thể bạn cho rằng: là người lớn, người có kinh nghiệm nhiều năm trong công việc thì khó có ai có thể không tiết chế được cảm xúc cá nhân. Nhưng không, nếu bạn cho rằng như vậy có lẽ bạn là người có xu hướng suy nghĩ tích cực và chưa gặp nhiều người kỳ lạ.

Một vài câu chuyện không vừa lòng nhỏ nhặt mà tích tụ nhiều thì cũng làm cho người ta cảm thấy khó chịu. Hơn nữa, càng khó chịu nếu nguyên nhân gây ra đến từ những người mà mình đối mặt 8 tiếng hàng ngày để cùng hợp tác tạo ra sản phẩm.

Có 2 kiểu người chính: thiên về lý trí và thiên về cảm xúc. Chuyện một người thông minh không có nghĩa là họ sẽ là người hành động theo lý trí và ngược lại.

Nếu không biết cách giữ bình tĩnh mà mang đầy cảm xúc trong cách cư xử của mình (gọi là cảm tính) thì dù có thông minh đến mấy cũng không xử lý vấn đề một cách tốt nhất được.

Biểu hiện của những người bị cảm xúc chi phối trong công việc là thái độ cự tuyệt, không tiếp tục hợp tác với thành viên khác, không tập trung hoàn thành công việc một cách đúng hạn và hiệu quả, nổi nóng đối với những đối tượng liên quan (hoặc không liên quan),...

Câu chuyện về cảm xúc ảnh hưởng đến công việc

Tôi đã từng gặp những người lớn (hơn tôi) mang tất cả những tâm tư tình cảm cá nhân của mình vào công việc và gây ảnh hưởng đến người khác.

hung du

Thuở tiểu học, những bước đầu làm quen với máy tính, gõ chữ bằng VNI hoặc Telex dù là gì thì một em bé 8 tuổi chưa từng tiếp xúc với máy tính như tôi cũng không thể thông thạo trong ngày đầu tiên được. Tuy vậy, cô giáo dạy Tin học vẫn đọc đề bài kiểm tra là những từ tiếng Việt để học sinh trình bày cách gõ phím ra giấy. Đến lúc nộp bài, hơn nửa lớp không làm được bài thì cô vứt sách hay dùng sách tán vào đầu từng bạn trong bộ mặt đáng sợ với đôi mắt trợn lên.

Đến khi phụ huynh biết được chuyện đó thì cô thanh minh rằng hôm đó nhà cô có chuyện không vui, cãi nhau với chồng và các học trò thì ngu ngốc nên cô mới ra tay như thế.

Thuở trung học, tôi cũng gặp một chuyện tương tự. Dù là lớp trưởng nhưng tôi hướng nội đã để cho lớp ồn ào mà không giữ trật tự. Cô giáo dạy tiết Sinh hoạt Đội hơn 15 phút rồi vẫn chưa thấy vào lớp nên tôi đến phòng giám thị hỏi. Cho đến gần 30 phút sau cô vào lớp vào lôi tôi lên bảng đánh bằng gậy gỗ với lý do: không giữ trật tự lớp, mách giám thị cô đi trễ để cô bị khiển trách.

Thời điểm đó không chỉ lớp tôi mà nhiều lớp khác cũng bị cô này đánh với những lý do vô lý trên trời. Nhưng hỏi ra thì cô chỉ thanh minh do dang mang thai, tâm trạng không tốt nên trút giận lên học sinh.

Đến thời điểm hiện tại, tôi cũng còn bị đồng nghiệp block vì những vấn đề không liên quan đến công việc mặc dù vẫn còn chung công ty và có “nguy cơ” giao tiếp với nhau cao.

Đọc đến đây thì chắc bạn cũng thấy, không phải cứ là người lớn thì có khả năng điều tiết cảm xúc, cảm giác tiêu cực cho tốt để làm việc chuyên nghiệp.

Nếu có đang là người cảm tính quá thì phải làm như thế nào để cân bằng giữa cái cảm và cái lý đây?

cam xuc

Hướng cải thiện cảm xúc tiêu cực trong công việc

Đối với mâu thuẫn trong công việc

Trong mọi cuộc tranh luận không có ai tự cho rằng mình sai cả, ai cũng cho là mình đúng thì mới có cuộc đôi co này.

Tuy nhiên, không có gì là tuyệt đối chính xác, vì thế chúng ta cũng cần cân nhắc ý kiến, quan điểm của người khác và hiểu được tại sao họ lại có suy nghĩ như thế. Tất cả chẳng phải nhằm mục đích cuối cùng là phát triển đội nhóm, phát triển công ty hay sao?

Đối với mâu thuẫn không liên quan đến công việc nhưng có ảnh hưởng đến công việc

Mâu thuẫn này nhiều người gặp phải. Ví dụ như: mâu thuẫn trong cách giao tiếp giữa các thành viên với nhau, hiểu lầm trong ngôn từ,…

Cụ thể như trường hợp đồng nghiệp ngồi cạnh mỗi ngày đều chạy bộ đến công ty rồi thay đồ vào làm luôn. Trong khi bản thân mình không thể chịu được mùi mồ hôi của người đó. Dần dần, những cảm nhận tiêu cực về đối phương cũng từ đó mà hình thành, rồi mong muốn xa lánh, ít tiếp xúc hơn cũng gây ảnh hưởng đến công việc.

Cảm xúc của mình nếu mình không cho phép thì không ai có thể can thiệp vào ảnh hưởng nó được. Nên đừng vì ai đó mà mất bình tĩnh rồi hành xử thiếu lý trí. Cần giữ bình tĩnh đối với trường hợp này và thẳng thắng góp ý với họ. Nếu họ không tiếp nhận thì chỉ còn cách góp ý với cấp cao hơn.

Đối với mâu thuẫn trong cách sống không có ảnh hưởng đến công việc

Thì mặc kệ, miễn sao làm việc với nhau đưa ra kết quả tốt là được. Vì mỗi cá nhân không có trách nhiệm phải sống theo cách của ai nên bản thân cứ sống và làm việc một cách tốt nhất.

Ví dụ như có ai đó miệt thị về ngoại hình, đánh giá về hình xăm, màu tóc nhuộm của bạn thì mặc kệ họ vì nó không đáng để tâm. Điều đó cũng không liên quan hay ảnh hưởng đến công việc. Nhưng nếu tần suất những lời đó lớn thì bạn hãy miệt thị lại họ đi.

miet thi ngoai hinh

Trên đây là những chia sẻ vui thôi về việc có (rất nhiều) người để quá nhiều cảm xúc và gây nên sự thiếu chuyên nghiệp trong công việc. Chúng ta không thể lựa chọn nơi mình sinh ra, đồng nghiệp làm cùng (trừ khi làm chủ), nên tiếp xúc với đa dạng kiểu người là chuyện đương nhiên.

Nhưng bạn hãy nhớ rằng, nhiều khi sự điềm tĩnh là chiến thắng.

Linh

Đăng nhận xét