Chủ nghĩa khắc kỷ và triết lý sống của người lớn

Một ngày con người chúng ta có nhiều thứ phải suy nghĩ, nhưng liệu bạn đã từng hỏi mình đã sống đúng với triết lý và giá trị của mình mong muốn chưa?

Chủ nghĩa khắc kỷ - phong cách sống bản lĩnh và bình thản và những điều tôi học được qua cuốn sách này

Theo wiki:

Chủ nghĩa khắc kỷ (Stoicismus) là một trường phái triết học Hy Lạp cổ đại là một nhánh triết học về đạo đức con người, thứ được tạo ra bằng logic và cách mà con người nhìn nhận bản chất thế giới.

Chủ nghĩa khắc kỷ cho rằng vì con người là một sinh vật thuộc về xã hội, nên con đường đi tới eudaimonia (hạnh phúc) của chúng ta sẽ được tìm ra thông qua việc chấp nhận việc mọi thứ đang diễn ra, không cho phép bản thân bị kiểm soát bởi những khao khát được thỏa mãn hoặc sợ hãi trước những đớn đau, thông qua việc sử dụng trí óc của mình để hiểu thế giới này và làm những phần việc mình cần làm để đóng góp cho kế hoạch mà tự nhiên đã vạch ra sẵn, và thông qua việc cùng làm việc, đối xử với những người khác một cách công bằng, bất thiên vị.

Thật vậy, ai cũng muốn sống một cuộc đời tươi đẹp, một cuộc sống hạnh phúc. Nhưng không phải ai đến khi nhắm mắt xuôi tay cũng được hạnh phúc. Chủ nghĩa khắc kỷ của Willam B.Irvine là một tổng hợp làm cách nào để thực hành chủ nghĩa này, nói dễ hiểu hơn là làm cách nào để trở nên bình thản và hạnh phúc.

Qua cuốn sách này tôi có nhiều câu tâm đắc mà nghĩ rằng mình phải ghi nhớ để trở nên tốt đẹp trong tâm trí hơn:

  1. Tận dụng tốt nhất ngày hôm nay: Chúng ta không thể thay đổi quá khứ, chỉ có cố gắng làm tốt hiện tại thì mới có được một tương lai vui vẻ. Vậy nên ngày đẹp nhất, ngày tốt nhất luôn là ngày hôm nay.

  2. Khi gặp chuyện không vui thì tưởng tượng tiêu cực là cách tốt nhất để vượt qua nó: như là việc tôi bị tai nạn khó đi lại do bị sứt móng chân, thì nghĩ rằng vẫn đỡ hơn so với việc mình không thể đi lại vĩnh viễn nữa, lúc như vậy sẽ thấy mình thật sự biết ơn và may mắn biết chừng nào. Đôi khi bản thân không chú ý xung quanh với những gì mình đang có thì hãy tưởng tượng tiêu cực rằng mình sẽ mất đi chúng thì bạn sẽ cảm thấy biết ơn nhiều hơn đối với cuộc đời này.

    Tưởng tượng tiêu cực dạy chúng ta đón nhận cuộc sống của mình bất kể nó có như thế nào và chắt lọc mọi niềm vui từ nó.

  3. Đừng cố lo lắng về những việc mình không thể kiểm soát được, đối với việc mình kiểm soát được thì hãy làm hết mình: giống như việc tham dự kỳ thi, bạn không thể kiểm soát được đề thi khó hay dễ, nhưng bạn có thể học thật chăm chỉ và thi hết sức. Đó mới thật sự có ý nghĩa vì bản thân đã cố gắng hết sức rồi dù kết quả ra sao cũng không hối tiếc.

  4. Tiết chế ham muốn của bản thân bằng cách lâu lâu sống khổ một lần: Chẳng có vấn đề gì khi mặc quần áo cũ cả, nên không cần phải mua quá nhiều quần áo theo xu hướng nhiều chẳng hạn. Những người có thể tiết chế được bản thân có thể làm được những điều mà người khác khiếp sợ không dám làm, cũng như hạn chế làm những điều mà người khác không thể cưỡng lại.

  5. Chúng ta chỉ có thể sống một lần nên để trở nên bình thản thì tránh xa mối quan hệ cũng không được, vì đây là một xã hội rộng lớn, con người phải liên kết với nhau mới phát triển được. Một khi sống với mọi người không thể tránh khỏi phiền phức như bản thân bị lăng mạ, sỉ nhục rồi trở nên nổi giận, đau buồn. Nên hãy chấp nhận những điều đó một cách hài hước vì nó tầm thường. Tuy vậy, đừng quá theo đuổi danh vọng và cuộc sống xa hoa thì chúng sẽ tự đến với mình???

Cũng hơi mâu thuẫn chỗ này, không theo đuổi bằng cách cố gắng thì làm sao tự đến được. Nên ý tác gải là không nên quá dựa dẫm và điên cuồng theo đuổi những thứ đó. Vì khi mất đi sẽ cảm thấy đau khổ và tổn hại rất nhiều. Nếu có chúng thì hãy vui vẻ tận hưởng chứ không quá coi trọng, lậm quá vào nó.

Sách có gần 400 trang, có hướng dẫn cách để thực hành chủ nghĩa khắc kỷ - tức là sống sao cho bình thản và hạnh phúc. Hạnh phúc không đến từ vật chất mà đến từ trong suy nghĩ của con người.

Những triết lý sống của người lớn thời hiện đại

Đọc xong sách rồi mới thấy bấy lâu nay cũng có nhiều lúc bản thân và người xung quanh sống theo cách sai lầm, như việc định nghĩa sai về hạnh phúc. Người lớn xung quanh bạn như thế nào thì tôi không biết, nhưng người lớn xung quanh tôi thì cho rằng ai ai ai cũng nên/cần/bắt buộc ổn định cuộc sống giàu có về vật chất thì mới hạnh phúc được.

Nhiều khi đó là do cuộc sống trong quá khứ của họ đã quá khó khăn đến độ triết lý sống của họ là “vật chất” quyết định “ý thức” (hạnh phúc). Bố mẹ nào cũng muốn con mình sau này không có mình cũng có cuộc sống tốt đẹp, công ăn việc làm ổn định, gia đình yên ấm vui vẻ. Vì thế, vật chất quyết định rất nhiều trong những vấn đề này. Nhưng họ không nghĩ rằng phải tâm lý, suy nghĩ tích cực thì mới đạt được những điều trên.

Tối qua tôi đọc được tin tức cậu bé lớp 10 quyết định kết thúc cuộc đời mình khi đang ngồi học vào lúc 3 giờ sáng dưới sự giám sát của bố mà cảm thấy thật đau buồn. Tôi nghĩ rằng đứa trẻ nào ở độ tuổi đó nếu không đạt được những điều mà bản thân (người lớn) trông đợi nó sẽ áp lực biết chừng nào, chỉ là chúng nó chưa có gan làm như vậy thôi. Nhiều bậc phụ huynh còn so sánh con mình (nhân viên văn phòng) kiếm tiền không bằng lương của một công nhân, hoặc cho con nghỉ học sớm để đi làm phụ giúp gia đình,...cuộc sống đã đủ áp lực rồi mà gia đình khi đó lại không là nơi để về nương tựa mà còn khổ sở hơn thì liệu có phải là một gia đình nữa không?

Để làm một con người quả thực rất khó khăn. Con người tự lập trình cuộc sống của bản thân như một con ngựa đua (phim Cậu bé đặc biệt), hết đua trường này sang đua trường khác mà quên rằng là con người nên sống hạnh phúc và thực hiện chức năng của con người.

Ngoài ra, người lớn còn có lúc quên bản thân mình.

Khi bị ốm, họ không đi khám ngay vì:

  1. Sợ khám lòi ra nhiều bệnh khác vì có tuổi
  2. Sợ tốn kém và con cháu lo lắng

Bởi thế chúng ta nhiều khi không hiểu nổi người lớn, họ lo sốt vó lên khi chúng ta chỉ bị gì đó nhẹ, nhưng họ chẳng quan tâm bản thân đã đến giới hạn của cơn đau nhức rồi chẳng hạn.

Tình yêu của họ đối với con cháu quá lớn đến nổi lấn át cả bản thân. Vì thế hãy yêu thương nhiều hơn những người vẫn còn bên cạnh mình.

Tôi chẳng phải là người lớn, tôi chỉ đang tập cách sống để trở thành người lớn và sống hoà thuận với họ hơn, nhất là để có thể bảo vệ cho bản thân và cho gia đình của mình. Bạn có thể đi chậm hơn người khác cũng được nhưng đừng đi vội, ai cũng từng thất bại, nhưng thất bại do vội vã thì thật ngu ngốc đúng không?

Bước qua quý mới (tháng 4,5,6) tôi đã có kế hoạch cho mình. Thật vui là kế hoạch của quý đầu tiên (tháng 1,2,3) đã được hoàn thành hết (trừ giảm cân huhu)!!!

Linh

Đăng nhận xét