Lớn tuổi hơn mình thì gọi anh gọi chị, mình nhỏ hơn thì xưng em là chuyện đương nhiên cơ bản. Nhưng không phải ai cũng biết làm thế.
Có những người không biết cách xưng hô
Dù từ môi trường mầm non, mẫu giáo đã được dạy phải gọi người lớn tuổi hơn là anh là chị, nhưng đến khi lớn lên, già đi, thì nhiều người vẫn không làm được điều đó. Buồn cười là bản thân không làm được điều đó mà người ta lại bắt người khác làm vậy với mình.
Khi ra đường, nhiều người gặp ai cũng xưng mình là chị, gọi người ta là em, thật là bất lịch sự nếu như đối phương lớn hơn mà vẫn làm vậy (dù không biết tuổi của họ). Có thể đó là thói quen, hay cảm nhận bản thân mình già hơn. Nhưng để lịch sự thì nên gọi người khác là anh, chị. Đó cũng là một loại kính ngữ trong tiếng Việt (hãy Gú Gồ để biết thêm chi tiết về kính ngữ trong tiếng Việt).
Thời Đại học, từ năm 2 tôi có học chung với một "bà chị" lớn hơn 1 tuổi, nhưng chị ta học và thi lại một môn nhiều lần, và mỗi năm số môn trượt lại tăng lên. Đa phần trượt là do chị ta không đi học đều, mưa nghỉ, nắng nghỉ, thích nghỉ, ...Tuy vậy, vào lớp học với 100% người nhỏ hơn 1 tuổi mà chị vẫn xưng chị em với người khác, thậm chí còn nhờ vả, sai vặt. Xét theo về năng lực và kinh nghiệm hay giao tiếp chị ta còn thua xa người "nhỏ hơn 1 tháng tuổi". Có một chị bạn tôi gặp cũng thế. Chị ta nay đã 30, nhưng đối với người lớn hơn chị 2 tuổi, chị bảo xưng tên-tui thôi, vì gần tuổi nhau mà. Còn đối với người kém hơn chị ta 1 tuổi, chị bắt người ta phải lễ phép với chị.
Vậy, cách xưng hô theo độ tuổi như thế này liệu có đúng?
Tất nhiên là tùy bạn, bạn cảm thấy xưng như thế nào với ai là được thì cứ làm (xét theo mối quan hệ-mức độ thân thiết với đối tượng xưng hô nữa). Tuy nhiên, sẽ thật là một người cư xử có lịch sự khi hỏi ý người khác về việc xưng hô như thế nào khi giao tiếp với họ.
Ngoài tuổi tác, năng lực cũng góp phần trong chuyện xưng hô
Đối với người vừa kém tuổi vừa năng lực kém thì gọi người ta là chị là anh cũng ngượng miệng đúng không nào?
Xã hội có những ngành nghề, tuy tuổi bạn có thấp hay năng lực chuyên môn bạn có kém thì người khác cũng tôn trọng mà gọi bạn bằng "kính ngữ" như: Bác sĩ (bác), giáo viên (thầy, cô),...
Thế nên ngoài tuổi tác ra, nghề nghiệp và năng lực cũng góp phần trong việc xưng hô.
Ngoài ra, còn một trường hợp ngoại lệ nhưng cực kỳ phổ biến trong xưng hô (cũng như trong việc sử dụng kính ngữ) là trong văn hóa kinh doanh.
Quy tắc xưng hô trong tiếng Việt trong kinh doanh khác một chút so với xã hội
Có nhiều nghiên cứu cũng như bài viết nói về cách xưng hô trong mua bán như là:
- Những câu đầu tiên trong nội dung nói chuyện với khách hàng nên xưng hô là “em”, gọi khách hàng là “anh/chị”. Mặc kệ việc trong điện thoại nghe giọng khách hàng già hay trẻ. Vì khách hàng cũng như cấp trên của mình nên không được coi mình là bề trên của khách mà tự xưng "chị".
- Gọi khách là anh chị để thể hiện sự tôn trọng, trân trọng, cũng như tạo thiện cảm trong quá trình làm việc.
- Nếu khách hàng nhỏ tuổi hơn thì vẫn xưng mình là em vì như vậy là lịch sự tốt nhất.
Tuy là nhiều thông tin về cách xưng hô như vậy, nhưng nhiều người làm dịch vụ hay kinh doanh cứ nói chuyện mà thấy khách có vẻ nhỏ hơn thì cứ xưng "chị": Em lấy bao nhiêu cái, em check inbox, bên chị có bán... Không biết bạn nghĩ sao nhưng tôi nghe/nhìn khó chịu cực kỳ. Nếu là tôi, tôi cũng không mua hay chọn dịch vụ bên đó.
Tôi đã học được điều này lúc tôi 16 tuổi. Khi đến một trung tâm thương mại, có những quầy quảng cáo mỹ phẩm, các chị tiếp thị viên cứ gọi tôi là chị và xưng em từ đầu đến cuối buổi. Tôi mới bảo em nhỏ tuổi hơn, đừng gọi em là chị nữa. Các chị ấy mới bảo: "vì các bạn là khách hàng nên xưng như vậy mới đúng, mới lịch sự và không có vấn đề gì đâu ạ". Không biết từ đó về sau các chị như thế nào, nhưng tôi tin chắc là những nguời như vậy sẽ thành công trong sự nghiệp kinh doanh dịch vụ của mình.
Nếu không thế gọi người khác là anh chị và xưng em, thì có thể gọi "quý khách" xưng "chúng tôi" cũng được. Nhưng mà hơi dài dòng, vì phải nói nhiều nói dai để mua bán mà xưng dài dòng hay bị líu lưỡi và mệt. =))
Về việc xưng hô như bên trên chỉ là những điều mà tôi đã học được qua trường lớp và cuộc sống nên là quan điểm riêng của tôi. Tất nhiên trong xã hội này, người có nhiều tuổi hơn thường sẽ chủ động được quyền xưng hô như thế nào hơn.
Tuy nhiên, tôi mong muốn ở một tương lai rằng, chuyện xưng hô của người Việt nên được biết đến như một kính ngữ cơ bản (cụ thể hơn trong chương trình giáo dục) để có thể hiệu quả hóa mối liên hệ giữa người với người.
Cảm ơn bạn đã đọc,
Linh
Đăng nhận xét
Đăng nhận xét